Sai lầm khi luyện nghe tiếng Anh

Sai lầm khi luyện nghe tiếng Anh

09:20 08/11/2019

Khi bạn gặp khó khăn với kỹ năng nghe, lời khuyên thường là hãy nghe càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu bạn đã thử, có lẽ lời khuyên không hiệu quả. Dưới đây là năm sai lầm những người muốn luyện nghe thường mắc phải.

1. Có một công thức thành công cho tất cả

Tiếng Anh có câu "one size doesn't fit all" - không có một cỡ áo cho mọi người. Nghe tiếng Anh cũng vậy. Nếu bạn nghe suốt cả ngày mà vẫn không tiến bộ, hãy nghĩ ngay đến sai lầm đầu tiên này. "Cái áo" có thể không phù hợp với bạn.

Để luyện nghe hiệu quả, bạn cần xem xét trình độ, sở thích, thời gian... của mình. Khi trình độ thấp, luyện nghe bằng xem phim sẽ không hiệu quả. Nếu nghe khá và quan tâm tới kinh doanh hay thời sự, bạn có thể tìm các trang phù hợp. 

2. Cố nghe 100%

Đây là mục tiêu sai lầm của rất nhiều người. Ngay người bản xứ cũng không thể nghe được 100% những gì người khác nói. Lý do là tiếng Anh có rất nhiều "accent" và một từ có thể có nhiều cách phát âm. Chưa kể, tiếng Anh giờ là ngôn ngữ quốc tế, có thể được nói bởi mọi người đến từ nhiều quốc gia.

Trong thực tiễn, nếu nghe giảng hoặc họp, bạn chỉ cần hiểu ý của người nói. Còn trong giao tiếp, nếu không nghe được chỉ cần hỏi lại. Nếu nghe hiểu được 70-80% tiếng Anh, coi như bạn đã thành công.

Ảnh: Armherst Town Library

Ảnh: Armherst Town Library

3. Dịch khi nghe tiếng Anh

Khi mới học tiếng Anh, dịch là một quá trình tự nhiên. Nhưng ở trình độ cao hơn, dịch lại trở thành một trở lực.

Thứ nhất, dịch làm bạn xử lý thông tin chậm lại do phải mất thời gian chuyển ngữ, khiến bạn dễ bị mất thông tin. Thứ hai, có những từ tiếng Anh bạn có thể hiểu, nhưng khó tìm từ tương ứng trong tiếng Việt, dịch liên quan tới việc tìm từ tương đương. Thứ ba, dịch khiến bạn tư duy bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh.

Dịch khi nghe chỉ phù hợp duy nhất với những dịch giả chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.

4. Cố ngẫm lại câu mình vừa nghe

Một trong những thói quen (rất tự nhiên) là khi nghe không được một câu, bạn cố ngẫm và nghĩ câu vừa rồi có ý nghĩa gì. Điều này hoàn toàn không nên, vì bạn sẽ bị xao lãng các câu sau, và có thể mất 2-3 câu sau đó. Trong một bài nghe dài, điều này là tối kỵ.

Cách nghe đúng là tập trung vào những gì bạn đang nghe, và cố hiểu những gì đang diễn ra.

5. Luyện đọc để nâng cao khả năng nghe

Đọc và nghe là hai lĩnh vực liên quan, nhưng hoàn toàn khác nhau. Đọc nhiều ngoài việc tăng từ vựng, ngữ pháp thì không hỗ trợ quá nhiều cho khả năng nghe.

Ngôn ngữ viết sử dụng ký tự, trong khi ngôn ngữ nói sử dụng âm thanh. Làm quen với ngôn ngữ viết thì cần biết mặt chữ; còn làm quen với ngôn ngữ nói thì cần hiểu về phát âm. Đó là lý do tại sao nhiều người nghe không hiểu, nhưng đọc "transcript" của bài nghe thì lại hiểu rất rõ.

Khi nói về phát âm, đó không chỉ là cách phát ra âm, mà còn là trọng âm, nối âm, giai điệu, ngữ điệu, nuốt âm.

Hơn nữa, ngôn ngữ viết thường phức tạp và trang trọng hơn ngôn ngữ nói rất nhiều. Do đó, những người đọc nhiều khi giao tiếp thực tế lại có xu hướng gặp khó khăn khi nghe, đặc biệt trong bối cảnh không trang trọng như giao tiếp.

Quang Nguyen