Cách xử lý áp lực thời gian khi nghe tiếng Anh

Cách xử lý áp lực thời gian khi nghe tiếng Anh

09:30 08/11/2019

Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ cách cải thiện kỹ năng nghe, từ trải nghiệm của cá nhân. 

Nhiều người Việt cảm thấy tương đối thoải mái với kỹ năng đọc, nhưng lại căng thẳng trước nghe. Lý do là người nghe cần xử lý thông tin nhanh và ngay lập tức, trong khi người đọc có nhiều thời gian hơn.

Trong giao tiếp, thông thường bạn có tối đa ba giây để hiểu và phản hồi. Vượt qua mức này, cuộc hội thoại dễ bị đứt đoạn. Năm ngoái, khi mình đưa hai đứa nhỏ đi ăn nhà hàng ở Mỹ, tụi trẻ chạy nhảy hò hét, bảo trật tự thì được một lúc rồi chúng lại bắt đầu "điệp khúc".

Lúc đi thanh toán, một bạn người Mỹ nhìn mình, rồi nhìn lũ trẻ, lúc đó vẫn đang chạy và nói một câu bốn từ: "They're getting sugar high" (Tụi nhỏ ăn nhiều đường bị tăng động). Não mình như chiếc máy tính đời cũ, "loading" hoài vẫn chưa xử lý xong thông tin. Nhưng nhu cầu giao tiếp phải trả lời ngay, nhưng mình không muốn hỏi lại nên lắp bắp "Thank you" và nhận lại ánh nhìn như với người ngoài hành tinh.

Ảnh: The Independent

Ảnh: The Independent

Trong giao tiếp, thường bạn có thể hỏi lại khi nghe không rõ. Tuy nhiên, nếu nghe giảng bằng tiếng Anh, nghe radio, TV hoặc tham gia hội nghị, bạn thậm chí còn không có đến 2-3 giây để xử lý. Cách duy nhất là hiểu ngay lập tức những gì người nói muốn truyền đạt.

Vậy làm thế nào để nghe tốt? Một bí quyết đơn giản, được nhắc đi nhắc lại là hãy nghe thật nhiều. Tưởng tượng, nghe câu "I love you" nói rất nhanh, bạn có nghĩ mình hiểu? Chắc chắn rồi, vì bạn nghe câu này nhiều đến nỗi quen thuộc.

Não bộ như máy tính được lập trình, những thứ càng quen thuộc, chúng ta xử lý càng nhanh. Còn những thứ lạ lẫm, chúng ta xử lý rất chậm, hoặc "quá tải".

Để kết thúc, mình xin kể thêm câu chuyện nữa, cách đây cũng khoảng một năm. Mình vào hàng ăn nhanh của Mỹ và gọi "Can I have one icecream, please". Người bán hàng hỏi "d'you want a cup or a cone"?

Mình nghe không hiểu gì, mới phải hỏi lại và khi được nhắc lại thì mới hiểu. Thật ra không phải mình không biết từ "cup" - cái cốc, hay "cone" - cái ốc quế, nhưng vì mặc định mua kem ốc quế nên nhất thời không nghĩ ra.

Cả hai trường hợp của mình đều do nghe ít, lại trong các bối cảnh mới nên bị bỡ ngỡ. Sau này, mỗi ngày đều luyện nghe vài tiếng, những lúc nấu cơm, rửa bát, chạy bộ, lái xe, mình đều nghe tiếng Anh, các tình huống "oái oăm" ít dần.

Tóm lại, cách tốt nhất để xử lý yếu tố áp lực thời gian khi nghe tiếng Anh là nghe thật nhiều và nếu bạn được trang bị một vốn phát âm (để biết cách nghe), từ vựng và ngữ pháp (để hiểu nội dung), nghe sẽ không phải vấn đề quá khó với bạn nữa.

Quang Nguyen